Vài ngày trước, ông Wu ở tỉnh Giang Tô, Trung Quốc đã bị lừa đảo qua cuộc gọi FaceTime trên chiếc iPhone của mình. Một người tự xưng là "nhân viên hỗ trợ khách hàng" đã gọi cho ông và hứa sẽ giúp ông điều chỉnh lãi suất ngân hàng.
Theo hướng dẫn của "nhân viên", ông Wu đã tải về một ứng dụng tên là "ZOXX" và chia sẻ màn hình điện thoại khi được hướng dẫn đăng nhập và các ứng dụng ngân hàng. Sau đó, ông đã vay tiền từ nhiều ngân hàng khác nhau và chuyển tiền vào tài khoản được chỉ định, tổng cộng số tiền bị mất là 107.000 Nhân dân tệ (375 triệu đồng).
Nhiều trung tâm chống lừa đảo và các nhà mạng Trung Quốc đã gửi tin nhắn cảnh báo người dân về những vụ lừa đảo qua FaceTime. Tháng 7 năm ngoái, Trung tâm An ninh của WeChat đã đăng tải thông báo trên tài khoản công khai của họ, cảnh báo về việc giả mạo WeChat qua FaceTime để lừa đảo. WeChat khẳng định rằng họ không bao giờ liên hệ với người dùng qua FaceTime và cảnh báo mọi người không nên nghe các cuộc gọi FaceTime từ người lạ.
Phương thức lừa đảo qua FaceTime
Bước 1: Kẻ lừa đảo gửi lời mời FaceTime, giả mạo là nhân viên hỗ trợ của một nền tảng nào đó, thông báo rằng tài khoản tài chính của nạn nhân gặp vấn đề và nếu không xử lý kịp thời sẽ bị trừ tiền hoặc ảnh hưởng đến tín dụng; khiến nạn nhân hoảng loạn.
Bước 2: Hướng dẫn nạn nhân tham gia các cuộc họp video trực tuyến và yêu cầu chia sẻ màn hình, hoặc hướng dẫn nạn nhân truy cập vào các trang web lạ để liên hệ với đội "hỗ trợ trực tuyến".
Bước 3: Lừa nạn nhân chuyển tiền vào tài khoản được chỉ định hoặc hướng dẫn nạn nhân vay tiền từ ngân hàng hoặc các nền tảng cho vay trực tuyến khác với lời hứa sẽ hoàn trả sau khi xác minh.
Sau khi nạn nhân hoàn tất chuyển khoản, ID FaceTime ngay sau đó sẽ bị chặn.
Do vậy, nếu nhận được cuộc gọi FaceTime từ người lạ, hãy xác nhận kỹ danh tính của người gọi. Đối với người dùng Apple ít sử dụng FaceTime, nên tắt tính năng này để tránh rủi ro.
Cách tắt FaceTime:
Mở Cài đặt (Settings) Chọn FaceTime Tắt FaceTime